Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) hiện có trên 6.200 SV. Hôm 4.12, lãnh đạo trường ký quyết định buộc tất cả SV hệ chính quy mặc đồng phục do trường quy định và giao Đoàn trường triển khai thực hiện.
Có nên buộc sinh viên mặc đồng phục?
Ngay sau đó, Đoàn trường ra thông báo đến toàn thể SV yêu cầu đăng ký cho ban cán sự lớp về số lượng, kích cỡ và nộp tiền đến hết ngày 10.12. Quy định là vậy song ở thời điểm ra thông báo, mẫu áo đồng phục dài tay (vải kate silk màu xanh, có logo trường) cho SV tham khảo vẫn chưa được chuyển từ TP.HCM về. Ban cán sự và Chi đoàn các lớp do nóng vội trong việc “hoàn thành chỉ tiêu” nên đã bắt ép SV đăng ký. Một SV ngành Công nghệ kỹ thuật công trình nói: “Đoàn trường buộc toàn thể SV mặc đồng phục theo quy định khi đến lớp. Điều này, tôi thấy có nhiều bất cập, lãng phí và không cần thiết. Mỗi SV phải dùng từ 2-3 áo. SV trong trường hơn 6.000 bạn, vậy tổng chi phí mà SV phải bỏ ra mua đồng phục thấp nhất cũng trên 600 triệu đồng. Thiết nghĩ đời sống SV còn khó khăn, phần lớn SV sống chủ yếu vào tiền vay từ ngân hàng chính sách xã hội, nên quy định trên có vẻ không hợp lý”. Một nữ SV chuyên ngành Du lịch nêu thắc mắc là tại sao trước khi triển khai, lãnh đạo trường không giới thiệu mẫu áo đồng phục một cách rộng rãi để lấy ý kiến SV. Nhiều SV khác cũng đã bày tỏ quan điểm của mình trên blog, diễn đàn mạng xoay quanh chuyện đồng phục. Tỷ lệ ủng hộ và phản đối dường như đang ở mức 50-50.
Sáng 22.12, Phó bí thư Đoàn trường ĐH Tây Đô Phan Thị Kim Tuyến cho biết đến thời điểm này, số lượng SV đăng ký mua đồng phục cũng chỉ đạt khoảng 50%. Đoàn trường sẽ tiếp tục thuyết phục SV vì đây là quy định của trường. SV nào quá khó khăn thì làm đơn (có xác nhận của lớp và cố vấn học tập) gửi lãnh đạo trường để được xem xét cấp áo miễn phí. Ông Nguyễn Văn Mừng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Tây Đô, nói: “Thời gian qua nhiều lớp trong trường tự thiết kế đồng phục. Mỗi lớp một kiểu nên không có sự đồng nhất toàn trường. Trường quy định đồng phục là cần thiết. Vì khi mặc đồng phục, SV có muốn làm sai cũng ngại”. Không đồng tình với quan điểm này, phụ huynh Năm C. ở xã An Lạc Tây (Kế Sách, Sóc Trăng) cho rằng đã muốn làm sai thì mặc cái gì SV cũng bất chấp. Gia đình lo học phí đã mệt, giờ lo thêm đồng phục nữa càng khó khăn hơn.
Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi vào sáng 22.12, thạc sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH Tây Đô, cho biết sau Tết Nguyên đán, SV toàn trường sẽ thực hiện mặc đồng phục. “Trường bắt buộc mặc đồng phục cho có nền nếp. Mức giá 50.000 đồng/áo là nhà trường đã bù lỗ cho SV. Từ từ rồi các em sẽ quen. Chúng tôi quyết định SV mặc đồng phục cũng là để khẳng định thương hiệu!”, ông Dũng nói.
Quang Minh Nhật