Mệt mỏi các kiểu đồng phục đầu năm học

Cứ vào năm học mới, chuyện đồng phục, sách, vở, bút, mực… cho học sinh lại khiến phụ huynh mệt mỏi vì những quy định không đáng của các trường, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP.HCM.

Mua sắm dụng cụ năm học mới theo quy định đồng phục cũng là gánh nặng với nhiều phụ huynh /// Ảnh: Ngọc Dương
Mua sắm dụng cụ năm học mới theo quy định đồng phục cũng là gánh nặng với nhiều phụ huynh
Cứ vào năm học mới, chuyện đồng phục, sách, vở, bút, mực… cho học sinh lại khiến phụ huynh mệt mỏi vì những quy định không đáng của các trường, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP.HCM.
Sắp tới ngày khai giảng, các nhà sách tại khu vực trung tâm TP.HCM thu hút rất đông phụ huynh mua sắm. Trong số đó không ít người đã phải chạy tới 3 – 4 nhà sách nhưng vẫn chưa tìm đủ đồ dùng học tập cho con vì yêu cầu của giáo viên (GV) quá khắt khe.
Bút mực xanh, cặp cùng màu
Chị Trần Thị Thanh Duyên, phụ huynh ngụ tại Q.5, chia sẻ: “Trong hè tôi đã đưa con đi nhà sách mua đồ dùng học tập gồm có sách giáo khoa, vở, bút… Tuy nhiên, mới đây GV lại không chấp nhận một số vật dụng mà tôi đã mua. Cô giáo giải thích là để nét chữ của học sinh (HS) đẹp hơn thì phải viết bằng bút nước mực xanh, vở 5 ô ly và số trang mỏng vừa, nên không chấp nhận vở và bút mực mà tôi đã mua trước đó. Ngoài ra, GV còn giải thích bìa bao nhiều họa tiết cũng khiến HS bị phân tâm khi học nên yêu cầu tôi đổi bìa bao cho giống với các HS khác trong lớp”.
Ở các trường tiểu học, HS thường được yêu cầu bao bìa tập cùng màu theo khối. Chẳng hạn lớp 1 bao màu đỏ, lớp 2 xanh lá, lớp 3 màu vàng… Có trường thậm chí còn cầu kỳ hơn khi quy định từng màu bìa bao cho mỗi môn học.
Ngoài ra, có những trường yêu cầu phụ huynh chuẩn bị bìa kê cũng phải theo quy định chung về màu sắc như 4 bìa kê vở là các màu xanh lá, vàng, hồng, cam và 2 bìa kê sách màu xanh dương. Một phụ huynh ở Q.Tân Phú cho biết: “Giá như những quy định này nhà trường thông báo cụ thể vào cuối năm học hoặc trên trang web của trường để phụ huynh biết trước”.
Tương tự, trong ngày tựu trường, một HS ở Q.Bình Thạnh bị cô giáo yêu cầu đổi cặp sách sẫm màu vì cả lớp dùng chung mẫu đó. Chỉ đến khi phụ huynh trình bày với thầy hiệu trưởng rằng bé phải dùng cặp chống gù lưng do bị bệnh, nhà trường mới cho biết là chỉ khuyến khích dùng theo mẫu chứ không bắt buộc!
Mỗi giáo viên yêu cầu một kiểu
Còn chị Huỳnh Hải, phụ huynh tại Q.2, chia sẻ: “Viết chì thì GV giải thích là phải dùng viết trên đầu có cục tẩy để tiện hơn khi viết chứ không dùng viết chì như tôi đã mua. Tuy nhiên, cục gôm và bút xóa nước thì lại không được chấp nhận mà phải thay bằng bút xóa dán”. Nhìn số đồ dùng học tập đã mua mà không thể sử dụng trong năm học này, chị Hải nói: “Tôi thấy yêu cầu thì cũng nên phiên phiến thôi chứ không nhất thiết phải hành phụ huynh, khiến phụ huynh thêm gánh nặng trong năm học mới”.
Ở nhiều trường, có những GV còn yêu cầu HS phải mua đúng bút của một nhãn hàng, một cây ở trường, một cây ở nhà. Mực cũng phải dùng đúng loại mà GV chỉ định. Thế là dù đã chuẩn bị trước cho con bút, mực nhưng phụ huynh cũng đành phải bỏ, mua cái mới. Đầu năm học, nhu cầu nhiều, lại tập trung vào một số nhãn hàng theo yêu cầu của GV nên xảy ra tình trạng “cháy hàng” khiến nhiều phụ huynh phải đi nhiều nhà sách mới mua đúng đồ dùng học tập cho con.
Ngay cả ở cấp THCS, mỗi GV bộ môn lại đưa ra những “luật lệ” riêng của mình về tập vở, giấy bao… khiến phụ huynh không biết đâu mà lần.
Mệt mỏi các kiểu 'đồng phục' đầu năm học - ảnh 3

 

 

Triệt tiêu sự sáng tạo
Bà Hoàng Thục Nhi, nghiên cứu sinh về giáo dục tại Phần Lan, cho biết các hoạt động và quy định trong nhà trường là để HS cùng phụ huynh thấy thoải mái nhất chứ không đặt nặng việc thuận tiện cho GV. Thật ra, chuyện đồng phục từ trang phục cho đến đồ dùng học tập, bao bìa, nhãn vở… chỉ giải quyết tính hình thức; còn HS học tốt hay không là do cách dạy của GV và sự tiếp thu của HS.
Mặt khác, “đồng phục” trong việc bao bìa sách vở sẽ làm giảm hoặc triệt tiêu một phần sự sáng tạo của HS. Khi HS tự chuẩn bị đồ dùng hay bao bìa tập sách, các em có thể thể hiện cá tính, sự sáng tạo của mình thông qua đồ dùng học tập. Khi ở trường cái gì cũng giống nhau, từ cái nhỏ nhất là bao bìa sách vở, HS sẽ dần quen với việc phải đồng bộ và giống nhau mới đẹp, mới đúng và dần dần sẽ ngại việc thể hiện cá tính hay sự khác biệt của mình. Đến khi lớn hơn sẽ ngại thể hiện quan điểm, chính kiến và đó sẽ là bất lợi trong quá trình phát triển bản thân và xã hội.

“Hoa hồng, chiết khấu là chuyện đương nhiên”
Nguyên hiệu trưởng một trường THCS tại Q.Tân Bình cho hay, hiện nay trong nhà trường chỉ bảo hiểm y tế là có hướng dẫn tiền trích lại để sắm sửa cơ sở vật chất, thuốc thang cho khám chữa bệnh ban đầu. Còn lại các khoản thu từ đồng phục, văn phòng phẩm… đều là sự thỏa thuận giữa ban giám hiệu và nhà cung cấp.
Vị này phân tích mỗi trường trung bình có 1.000 HS, mỗi HS mua ít nhất cũng phải 2 hoặc 3 bộ đồng phục. Vì vậy, trở thành nhà cung cấp cho trường học là cuộc đua của các doanh nghiệp may mặc, cũng chính là cuộc đua hoa hồng của các đơn vị sản xuất. “Hoa hồng, chiết khấu là chuyện đương nhiên và việc sử dụng khoản thu này như thế nào là tùy từng trường. Có trường, người thụ hưởng chỉ có ban giám hiệu và bộ phận văn phòng trực tiếp bán đồng phục cho HS. Có trường ngoài bồi dưỡng cho các nhân viên phụ trách thì đưa vào quỹ phúc lợi để chia thưởng tết, cuối năm cho GV, công nhân viên”, nguyên hiệu trưởng này cho biết.
Còn bà Hoàng Thục Nhi cũng đặt vấn đề rằng việc “đồng phục” mọi thứ nếu để phụ huynh tự mua ở ngoài thì nặng tính hình thức. Còn yêu cầu phụ huynh mua trong trường hoặc một địa chỉ cụ thể tức là có khả năng trường liên kết với bên cung cấp.