​Tiêu chuẩn kiểm định đồng phục ở nước ngoài rất khắt khe

Liên quan đến chất lượng, giá cả đồng phục tại các trường, chị N.T.K. , một chuyên gia tại một tổ chức kiểm định quốc tế, chia sẻ thông tin về các tiêu chuẩn kiểm định đồng phục.

TT – Liên quan đến chất lượng, giá cả đồng phục tại các trường, chị N.T.K. , một chuyên gia tại một tổ chức kiểm định quốc tế, chia sẻ thông tin về các tiêu chuẩn kiểm định đồng phục.

​Tiêu chuẩn kiểm định đồng phục ở nước ngoài rất khắt khe
Đồng phục nữ Trường tiểu học quốc tế Á Châu giá 187.000 đồng/bộ – Ảnh: Như Hùng

Các thương hiệu thời trang nước ngoài đều xây dựng sẵn bộ tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm của mình và khi gia công ở Việt Nam hay các nước khác, họ chỉ định các tổ chức quốc tế kiểm định chất lượng sản phẩm, nếu đạt hết các chỉ tiêu trong bộ tiêu chuẩn chất lượng của hãng thì hàng mới được xuất đi.

Thông thường, với mặt hàng thời trang trẻ em, đồng phục học sinh xuất đi nước ngoài phải qua một quá trình kiểm định chặt chẽ các nhóm chỉ tiêu cơ hóa, cơ lý, ngoại quan, an toàn…

Đồng phục học sinh phải được kiểm tra đầu tiên về thành phần vải như sợi vải có khả năng thấm hút mồ hôi, chất liệu vải có phù hợp với thời tiết, hàm lượng formaldehyde, azodyl có trong vải, độ bền màu của vải như có mất màu, loang màu, phai màu, thấm màu khi giặt, khi phơi, khi tiếp xúc với mồ hôi, với dung dịch giặt tẩy hay không, nếu có thì sau bao nhiêu lần giặt sẽ xảy ra hiện tượng này…

Nhóm chỉ tiêu cơ lý cũng rất quan trọng vì trẻ em thường rất hiếu động do vậy sản phẩm đồng phục phải đạt độ bền qua kiểm tra như khi chạy nhảy, khi va chạm, vướng móc; với lực bao nhiêu thì rách, kiểm tra về đường chỉ như mũi chỉ dài bao nhiêu thì khi trẻ hoạt động mạnh không bị rạn, bung đứt đường may; khi trẻ ngồi nhiều trên ghế cọ xát qua lại vải có bị xù lông, vón cục làm cho ngoại quan của đồng phục xấu đi, đồng phục có làm trẻ vướng víu, khó khăn trong vận động hay không…

Ngoài ra, các chi tiết đính trên áo như nút, dây kéo, nhãn, các chi tiết trang trí bằng nhựa cũng được kiểm tra hàm lượng chì và cadmium, phthalate vì trẻ có thể ngậm các chi tiết này và bị nhiễm độc nếu hàm lượng quá mức cho phép; các vật nhọn như nút gài kim loại, đầu dây kéo có góc cạnh có thể làm xước da trẻ…

Một nhóm chỉ tiêu quan trọng nữa khi kiểm định là sản phẩm có đảm bảo an toàn cho trẻ như độ dài các dây nơ, dây thắt, dây đai có đúng chuẩn, có thể móc vướng vào xe, khi xe chạy có thể cuốn trẻ theo, những chiếc nút áo có dễ bứt đứt và trẻ cho vào miệng, tai, mũi hay khi chơi, khả năng bén lửa của vải.

Trong khi đó tại Việt Nam, hiện chỉ có thông tư 32 quy định về hàm lượng formaldehyde và azodyl trong vải nhập khẩu đối với hàng may mặc nói chung, hoàn toàn không có quy định về tiêu chuẩn chất lượng đồng phục học sinh, mặt hàng này không được kiểm định nên chất lượng không cao.

* Nhà thiết kế HỒ TRẦN DẠ THẢO 
(TP.HCM):

Phải phù hợp theo chức năng hoạt động của học sinh

​Tiêu chuẩn kiểm định đồng phục ở nước ngoài rất khắt khe
Nhà thiết kế HỒ TRẦN DẠ THẢO 
(TP.HCM) – Ảnh: Tư liệu

Ở Việt Nam, có thể vì nhiều lý do như không đủ chi phí, nhà trường ít quan tâm, nhà cung cấp chưa thấu hiểu nhu cầu của học sinh… nên đồng phục học sinh ở một số trường công lập chưa đạt yêu cầu ở nhiều khía cạnh.

Với thời tiết nắng nóng như ở TP.HCM, chất liệu vải để may đồng phục học sinh phải là loại vải có sợi cotton nhiều hơn (có thể là 75% cotton, 2% spandex, 23% polyester) để thấm hút mồ hôi, ít nhăn và độ co giãn tốt khi hoạt động.

Về kiểu dáng phải phù hợp theo chức năng hoạt động của học sinh. Ví dụ quần ống đứng gọn gàng, vải co giãn tốt, áo sơmi có logo và vải phối nhận diện trường học.

T.TƯỜNG – B.YÊN