Dưới bàn tay phù phép của giới khoa học, một chiếc áo thun bình thường có thể biến thành áo giáp chống đạn.
Áo thun chống đạn
Bằng việc kết hợp carbon có trong vải bông với nguyên tố boron (Bo), đội ngũ các nhà khoa học Mỹ, Thụy Sĩ và Trung Quốc đã tạo nên một loại vải nhẹ và chắc chắn làm từ boron carbide (công thức hóa học là B4C), loại vật liệu dùng để bảo vệ xe tăng. Với độ cứng là 9,3 trên thang Mohs, boron carbide là một trong những vật liệu cứng nhất được biết đến.
“Loại áo giáp boron carbide hiện tại rất chắc chắn nhưng lại không mềm dẻo mà lại nặng nữa”, trang tin Sciencedaily dẫn lời nhà khoa học Xiaodong Li của Đại học Nam Carolina (Mỹ). Người ta đã dùng những tấm men boron carbide màu xám đậm nặng nề và dày cộm để làm ra áo chống đạn cũng như chế tạo xe tăng. Trong khi đó, vải bông lại là vật liệu hoàn toàn đối lập với boron carbide. Nhẹ và thoáng khí, quần áo làm từ vải bông rẻ tiền và được sử dụng rộng rãi. Để tạo ra loại vải boron carbide nhẹ, các nhà khoa học đã kết hợp boron hòa tan với sợi vải carbon bên trong sợi bông. Họ bắt đầu bằng việc mua chiếc áo thun rẻ tiền ở siêu thị và cắt nó thành những dải mỏng. Kế đến nhúng chúng vào dung dịch boron đen. Sau 1 giờ, các dải vải được lấy ra và đem nung trong lò ở nhiệt độ hơn 1.000 độ C trong 1 giờ nữa. Trong khoảng thời gian này, nhiệt làm biến mất bất cứ thứ gì không phải carbon hoặc boron và hòa chúng thành boron carbide.
Loại vải thu được sau quá trình trên rất khác so với loại vật liệu gốc ban đầu. Nó nhẹ hơn, cứng hơn, chắc hơn và bền hơn vải bông nhưng vẫn có thể được bẻ cong, không như các đĩa áo giáp boron carbide thông thường. Các chuyên gia vẫn đang kiểm tra đặc tính vật lý của loại vải mới và kết quả thu được ban đầu hết sức hứa hẹn. Theo tiến sĩ Li, loại vải này có thể chặn được đạn bắn đến. Không những thế, nó còn có thể ngăn chặn những mối nguy hiểm khác, như tia cực tím có thể gây ung thư và thậm chí các neutron đe dọa mạng sống của con người bị thải ra từ những vật liệu phóng xạ đang phân hủy.
Bên cạnh việc chế tạo loại áo giáp dễ chịu hơn nhiều cho giới cảnh sát và binh lính, vật liệu mới còn có thể được sử dụng để sản xuất các loại xe và máy bay, giúp chúng có kích thước nhẹ hơn và từ đó tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Thuỵ Miên