Chóng mặt với đồng phục!

Tháng tám là tháng mà những phụ huynh nghèo xây xẩm mặt mày, vì nào là lo tiền trường, lo sách vở, dụng cụ học tập… cho con chuẩn bị vào năm học mới. Nhưng, trong mọi cái lo, phụ huynh bức xúc nhất là chuyện đồng phục.

TT – Tháng tám là tháng mà những phụ huynh nghèo xây xẩm mặt mày, vì nào là lo tiền trường, lo sách vở, dụng cụ học tập… cho con chuẩn bị vào năm học mới. Nhưng, trong mọi cái lo, phụ huynh bức xúc nhất là chuyện đồng phục.

Chóng mặt với đồng phục!
Tất cả đều đơn giản như thế này có đẹp hơn không? – Ảnh: T.T.D.

Đại học cũng không yên!

Mấy hôm nay, sinh viên Trường ĐHDL Hồng Bàng gọi điện liên tục đến Tuổi Trẻ “cầu cứu”: “Mỗi năm nhà trường đổi một mẫu đồng phục mới, cả đồng phục học thể dục lẫn đồng phục học trên giảng đường làm chúng tôi phát chóng mặt”!

TS Nguyễn Mạnh Hùng – hiệu trưởng Trường ĐHDL Hồng Bàng – thừa nhận: “Mỗi năm nhà trường đều thay đổi mẫu đồng phục để thời trang hơn, đẹp hơn. Đồng phục của Trường Hồng Bàng có hai loại: loại mặc đi học thể dục, học quân sự (áo thun viền cổ màu đỏ, quần kaki nilông màu xám đậm có dây cột dưới ống chân, giá 113.000 đồng/bộ) và loại mặc lên giảng đường vào ngày thứ hai (nam quần tây, áo sơmi; nữ áo dài, giá 127.000-141.000/đồng/bộ áo dài chưa kể công may). Tất cả SV hệ ĐH, CĐ, liên thông và HS hệ THCN đều phải mặc đồng phục”.

Thầy hiệu trưởng thích thế, nhưng nhiều SV bức xúc: “Chỉ riêng màu áo dài, có năm trường chọn màu hồng nhạt, năm thì xanh nhạt, năm lại tím nhạt. Áo sơmi của nam thì năm này gắn logo của trường trên ngực áo, năm sau gắn trên viền túi, có năm lại đưa xuống cầu vai… Thật khổ hết sức”.

Chóng mặt với đồng phục!
SV ĐHDL Hồng Bàng mỗi năm mỗi sắc màu! – Ảnh: Minh Đức

Không chỉ bực mình về sự phức tạp mà còn cả bức xúc về tài chính. “Không phải SV nào cũng có tiền để xênh xang quần áo thời trang như thế. Bởi chúng tôi – những SV nghèo – không cần mặc đồ thời trang. SV chỉ cần giữ gìn để quần áo sạch sẽ, không rách rưới – làm xấu bộ mặt nhà trường là đủ” – một SV nữ Trường Hồng Bàng nói.

TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Đồng phục nhằm rèn luyện SV vào nề nếp nhà trường, tập tính tập thể cho SV và tạo điều kiện thuận lợi cho SV tham gia các buổi đồng diễn, các hoạt động cộng đồng. Chỉ có vài trăm ngàn tôi nghĩ SV không khó khăn đến nỗi không mua được. Có thể các em bướng không muốn mua mà thôi”.

Vài trăm ngàn – nếu rơi vào những SV ở đồng bằng sông Cửu Long, năm nay họ sẽ phải bán bao nhiêu trái bưởi (2.000-3.000 đồng/trái) mới đủ mua đồng phục?

Mỗi trường một vẻ

Chóng mặt với đồng phục!

Một cửa hàng kinh doanh đồng phục học sinh trên đường Cao Thắng (TP.HCM) khá ế ẩm trước thềm năm học mới – Ảnh: T.T.D.

Ở TP.HCM, trên đoạn đường Cao Thắng gần đường Ba Tháng Hai có một dãy cửa hàng chuyên kinh doanh trang phục học sinh. Nếu những năm trước đây, trước năm học mới, dãy cửa hàng này thu hút rất đông phụ huynh vì sự phong phú của đồng phục, giá cả dễ chịu, thì năm nay vắng hoe.

Một nữ chủ nhân bán hàng ở đây cho biết: “Hầu hết phụ huynh giờ đây đều mua đồng phục cho con tại trường. Lý do: trường nào cũng có những qui định nho nhỏ trên đồng phục khiến không thể mua ở ngoài, dù giá cao hơn chúng tôi. Điều đơn giản nhất là các trường buộc học sinh phải mặc áo có phù hiệu in thẳng trên áo, như thế chúng tôi đành bó tay”!

Chị Minh – một phụ huynh Trường tiểu học Trần Quốc Thảo, Q.3 – bấm bụng mua bốn bộ đồng phục lớp 1 cho con mà lòng không vui. Cái áo đồng phục được thiết kế khá lạ: cổ lá sen màu xanh có chạy thêm đường đăngten viền quanh, hai hàng nút cũng có hai hàng đăngten viền hai bên, đặc biệt tay áo in sẵn logo của trường chứ không phải dạng logo rời để phụ huynh tự gắn vào như nhiều trường khác. Màu xanh của váy cũng nhạt hơn màu xanh đậm thường thấy, lại cùng loại vải với vải may cổ áo. Chị nói: “Phụ huynh tụi tôi hiểu ngay không thể nào tự mua bên ngoài được mà buộc phải mua trong trường. Dù chất liệu vải thuộc loại bình thường nhưng giá nhà trường bán hơn 80.000 đồng/bộ”.

“Nhìn màu áo đồng phục của con, chúng tôi bị sốc – một số phụ huynh Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1 cho biết – Áo màu xanh nhưng không phải xanh biển hay xanh da trời, một màu xanh rất khó… gọi tên. Chỉ giặt chừng 5-7 lần sẽ bạc như áo công nhân”. Chị T., nhà ở P.Tân Định, chỉ con mình làm bằng chứng: “Xem kìa, HS mặc đồng phục vào mặt cứ tái xanh vì màu áo, khi vui chơi, chạy nhảy mồ hôi đầm đìa nhìn càng dơ. Vải xấu, kiểu may cũng không đẹp. Vậy nhưng chúng tôi bị bắt buộc phải mua”.

Ý kiến phụ huynh

“Theo tôi, chỉ cần HS mặc áo trắng, váy (nữ) và quần (nam) màu xanh đậm – nhìn sẽ biết ngay HS, đó cũng là nét đẹp chung, thay vì mặc màu mè đủ kiểu như nhiều trường vẫn làm”.

* “Tôi có ba đứa con học ở ba cấp: tiểu học, THCS và THPT. Năm học mới nào cũng nghe các con than vãn về chuyện đồng phục. Đứa thì chê xấu, không chịu mặc. Đứa than nóng nực, khó chịu. Mình làm cha, làm mẹ mà không được chọn quần áo cho con. Đồng phục may hoa văn, họa tiết hết sức cầu kỳ, các nhà may không chịu nhận may. Chưa kể logo của trường luôn luôn in sẵn vào áo của HS. Chúng tôi làm sao có thể tự đi mua? Phụ huynh cũng có kẻ giàu người nghèo, tùy khả năng chúng tôi có thể ra ngoài chọn mua những loại vải tốt, hút mồ hôi, hoặc ra chợ mua những loại rẻ tiền hơn so với giá của trường. Theo tôi biết thì đồng phục của trường ít khi có vải tốt do nhà trường sợ giá thành quá cao, phụ huynh không chấp nhận”.

* “Tôi không hiểu phần lớn các trường nghĩ gì khi làm điều đó. Theo tôi, nên thống nhất một đồng phục áo trắng – quần xanh, và phù hiệu thì loại rời có thể dán hay may trên áo. Làm như thế, không chỉ đơn giản – một đức tính rất cần cho lứa tuổi học sinh, mà còn giúp những gia đình nghèo có thể tận dụng được đồ cũ nhưng vẫn còn tốt”.

HOÀNG KHƯƠNG – KIM LIÊN