Dở khóc, dở cười chuyện đồng phục học sinh: Mỗi năm một kiểu

Năm học 2005-2006 vừa mới bước vào tuần học đầu tiên nhưng đã có quá nhiều lời phàn nàn từ phía các bậc phụ huynh về đồng phục của con em họ.

Tuần qua, khi bài Nữ sinh có nên mặc áo dài? được đăng trên Báo Thanh Niên, ngay lập tức vấn đề này đã trở thành tâm điểm bàn luận của nhiều học sinh và các bậc phụ huynh. Thế nhưng, vấn đề không chỉ dừng lại ở chuyện trang phục của các em học sinh (HS) PTTH, mà ngay chuyện đồng phục của các em HS bậc tiểu học, THCS và sinh viên hiện nay cũng là chuyện dở khóc, dở cười…

Năm học 2005-2006 vừa mới bước vào tuần học đầu tiên nhưng đã có quá nhiều lời phàn nàn từ phía các bậc phụ huynh về đồng phục của con em họ. Chúng tôi đã được nghe, được thấy rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười về đồng phục của HS các trường phổ thông Hà Nội.

Hiệu trưởng mới, đồng phục mới!

Vừa nhìn thấy mặt tôi, chị bạn thân chỉ kịp dựng nhanh cái xe máy, túm lấy tay tôi nói một tràng không nghỉ: “Này, bực mình quá mày ạ! Vài năm trước đồng phục của đứa con chị ở trường tiểu học KL khá là đẹp: áo sơ mi trắng, váy hoặc quần màu xanh tím than. Ấy vậy mà đầu năm học này, nhà trường đưa cho phụ huynh tờ đăng ký đồng phục nhưng lại không nói thay đồng phục mới để phụ huynh có ý kiến”. Chị lại “cầm đèn chạy trước ô tô” vì  nghĩ đồng phục vẫn như mọi năm nên ra ngoài mua trước đồng phục cho con. Ai dè, đến sát ngày tập trung khai giảng tất cả phụ huynh đều ngỡ ngàng, HS thì… lổn nhổn, đứa mặc đồng phục cũ, đứa mặc đồng phục mới. Đồng phục mới màu mới “khiếp” chứ. Con trai thì áo trắng, quần là một thứ màu xanh lá cây trông rất… “rợ”. Con gái mặc váy ca rô màu vàng nâu đất xỉn. Đứa con chị có hôm xem vô tuyến thấy HS một trường ở Sóc Sơn mặc đồng phục giống nó, nó tức tối bảo cả nhà, đồng phục con chẳng khác gì các bạn ở Sóc Sơn cả… “Thế tại sao năm nay nhà trường lại thay đổi mẫu đồng phục?”. Tôi hỏi. Chị bạn trả lời: “Hiệu trưởng mới lên thay yêu cầu phải thay đồng phục mới đấy. Họ không cần biết bộ đồng phục cũ đã trở thành một nét đẹp truyền thống của nhà trường. Họ muốn thay đổi tất cả theo ý thích của họ. Tôi còn nghe nói, có chuyện ăn chia hoa hồng tiền may đồng phục HS đấy…”.

Câu chuyện của chị bạn tôi không phải là một vụ việc điển hình, ở một trường điển hình ở Hà Nội về vấn đề đồng phục của HS. Có một điều “lạ”, cứ hễ bước vào năm học mới là trường nào cũng có một bản đăng ký như một thứ “luật” bất thành văn buộc phụ huynh HS phải mua đồng phục. Nhiều phụ huynh bức xúc nói: “Con tôi còi cọc, 1 – 2 năm mới phải thay quần áo, thế mà vừa phải mua đồng phục năm trước, năm sau lại bắt mua đồng phục nữa. Chiếc áo bu-dông mua vài năm trước đến năm nay mới mặc vừa thì lại mua mới. Ở nhà chúng tôi xếp đống quần áo đồng phục của bọn trẻ con chưa mặc đến, vừa tốn kém lại vừa lãng phí…”. Ai cũng đều biết vậy nhưng chẳng phụ huynh nào “dại gì” có ý kiến ý cò, vì người thiệt thòi lại là con em mình. Mà nếu có ý kiến thì nhà trường lại ngụy biện đây là chủ trương chung rồi, trường nào mà chẳng vậy! Theo các phụ huynh cho biết, giá của các bộ đồng phục do từng trường đưa ra trung bình khoảng 65.000 đến 130.000 đồng/bộ (gồm 1 áo và 1 quần); 80.000 đồng/bộ (gồm 1 áo và 1 váy). Phần lớn các trường tiểu học bắt buộc HS phải mặc đồng phục 2, 3 ngày trong một tuần, nhiều trường THCS lại yêu cầu HS phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần. Nếu tính sơ sơ, một HS phải có ít nhất 2 bộ đồng phục và 1 chiếc áo khoác đông thì với một gia đình có 2 con cùng đi học,  phụ huynh phải bỏ ra một số tiền mua đồng phục cho con mỗi năm học không hề nhỏ. 

Ăn chia hoa hồng với nhà may!?

Cái việc bắt phụ huynh phải mua đồng phục cho con mỗi dịp năm học mới đã là chuyện vô lý, nhưng vô lý hơn là các bậc phụ huynh phải bỏ một số tiền so với thị trường là đắt nhưng chất lượng các bộ đồng phục ở một số trường lại quá dở. Chị Thu Nga có con gái đang học trường TS phàn nàn: “Đồng phục năm nay của trường con Cún chán quá. Chất vải ni-lông may áo vừa bí, vừa nóng ơi là nóng. Chất vải quần nhìn đã biết rẻ tiền, vừa cứng, vừa bóng loáng, thế mà tiền phải nộp cho nhà trường đâu có rẻ, hơn 80.000 đồng/bộ. Cứ mỗi lần mặc đồng phục đi học mặt con bé cứ dài thượt, nó đã lớn rồi nên biết phân biệt thế nào là đẹp, thế nào là xấu…”. Cháu Ánh Ngọc đang học một trường THCS có tiếng của Hà Nội kể: “Đầu năm cháu thấy nhà may đến đo cho chúng cháu, nhưng chẳng hiểu sao bộ quần áo của cháu rộng thùng thình như nhầm số đo của ai. Chiếc áo quá dài, chiếc quần thì chị cháu trêu giống thời trang của các anh cán bộ xã cách đây 30 năm…”. Có phụ huynh thẳng thắn nói: “Chúng tôi biết nhiều trường cố tình bắt HS phải mua đồng phục, rồi lại bắt HS phải thay đổi đồng phục để ăn chia hoa hồng với nhà may. Có nơi họ ăn chia 10 – 15%, có nơi “ăn” tới 25%!  Nếu chất lượng các bộ đồng phục tốt thì chúng tôi còn đỡ bực, cứ nhìn đồng phục bọn trẻ mà xem, quá tồi. Nhìn con mặc đồng phục mà cảm thấy như bị lừa…”. Phần lớn các phụ huynh phải chọn giải pháp “hai bên cùng có lợi”, vẫn đăng ký nộp tiền đồng phục cho nhà trường nhưng ra ngoài mua đồng phục cho con vừa rẻ lại vừa chất lượng hơn. Chúng tôi đã đến khảo sát địa chỉ mà các phụ huynh nhắc đến, đó là một số cửa hàng bán đồ thời trang trẻ em ở phố Hàng Trống, trong đó có nhà may hàng trẻ em nổi tiếng Hà Nội từ xa xưa là nhà may Đức Hạnh. Cứ mỗi dịp vào năm học mới các cửa hàng này lại bán thêm đồng phục cho HS. Cuối buổi chiều chủ nhật nhưng nhà may Đức Hạnh vẫn nườm nượp các bà mẹ dẫn con đi mua đồng phục. Áo sơ mi trắng ở đây được may bằng chất liệu vải thô, khá đẹp, giá từ 35.000 đến hơn 50.000 đồng/chiếc, tùy theo từng độ tuổi. Quần ka-ki màu tím than trung bình từ 33.000 đến 44.000 đồng/chiếc. Tùy theo nhu cầu về mầu sắc đồng phục, cửa hàng sẵn sàng đáp ứng, thậm chí còn có đủ phù hiệu của nhiều trường với giá 5.000 đồng/chiếc.

Được biết, Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội từng có văn bản, cách đây nhiều năm, khuyến khích các trường nên có đồng phục riêng tùy theo điều kiện từng địa phương. Một số trường đã chọn được những mẫu đồng phục đẹp, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Mỗi khi mặc bộ đồng phục các em cảm thấy tự tin và càng thêm yêu quý, tự hào về ngôi trường của mình. Đáng tiếc, có không ít trường đã đánh mất vẻ đẹp của chiếc áo đồng phục theo cái cách “thương mại hóa”. Kèm theo những lời phàn nàn của các bậc phụ huynh sẽ là những cái nhìn thiếu trân trọng của chính các em HS về mái trường của mình. Thiết nghĩ, trong hướng dẫn đầu năm học, Sở GD – ĐT nên có thêm một dòng quy định đối với các trường về đồng phục cho HS. Về phía các trường, chỉ nên thay mới đồng phục theo hình thức cuốn chiếu, tức là thay từ lớp đầu cấp thay lên, như vậy sẽ tránh được sự lãng phí và tốn kém cho phụ huynh.

Thu Hồng