Không ít người thắc mắc: “Vì sao phải đổi đồng phục? Vì sao phải ép học sinh mua đồng phục trong trường?” Câu trả lời không ngoài hai chữ “Hoa Hồng”.
Đồng phục, có cần thay mới hàng năm không?
(GDVN) – Không ít người thắc mắc: “Vì sao phải đổi đồng phục? Vì sao phải ép học sinh mua đồng phục trong trường?” Câu trả lời không ngoài hai chữ “Hoa Hồng”.
LTS: Ai cũng muốn con mình được bằng bạn bằng bè nên dù kinh tế eo hẹp nhiều phụ huynh vẫn cố gắng mua đồng phục cho con theo đúng quy định.
Tuy nhiên, liệu việc thay đổi đồng phục theo từng năm có thực sự cần thiết hay còn điều gì ẩn giấu sau câu chuyện này?
Theo tác giả Sông Mã, chuyện nhà trường thay đổi đồng phục thường xuyên đang khiến không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn thêm nặng gánh lo toan.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Năm nào cũng vậy, cứ gần vào năm học mới chuyện đồng phục học sinh lại được mọi người bàn tán nhiều nhất.
Có trường cứ hai năm lại đổi đồng phục một lần làm cho không ít phụ huynh nghèo phải khóc ròng vì họ không thể xoay nổi tiền bạc cùng lúc cho vài người con nhập học.
Sẽ có không ít người thắc mắc: “Vì sao phải đổi đồng phục? Vì sao phải ép học sinh mua đồng phục trong trường?” Câu trả lời không ngoài hai chữ “Hoa Hồng”.
Việc thay đổi đồng phục học sinh thường xuyên khiến nhiều gia đình nghèo thêm khó khăn. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Đồng phục giá cao
Có nhiều loại đồng phục như đồng phục đi học mùa hè, đồng phục mùa đông (áo sơ mi, áo khoác), đồ thể dục, đến đồng phục áo ngủ trưa cho lớp bán trú, rồi đến cả giày dép, vở viết, bút thước… cũng quy định “đồng phục” luôn.
Đã có những bộ đồng phục ở một số trường gần cả triệu bạc trong khi cũng bộ đồ như thế giá bên ngoài chỉ vài trăm ngàn.
Một nhà cung cấp đồng phục cho trường học bật mí giá chiết khấu lại cho trường (mà chủ yếu là Hiệu trưởng với kế toán) có khi lên đến 40% giá trị bộ đồng phục ấy.
Có nghĩa là nếu một học sinh phải mua tất cả các loại đồng phục hết khoảng 1,5 triệu đồng thì chiết khấu cho “tay hòm chìa khóa” nhà trường khoảng 600 ngàn đồng/em, lợi nhuận thu được quả không hề nhỏ.
Chỉ năm đầu, khi một số người buôn bán nhỏ bên ngoài chưa nắm chắc mẫu những quy định về đồng phục trong trường nên họ chưa có hàng.
Nhưng sang năm học sau thì những bộ đồng phục ấy bắt đầu xuất hiện ở các sạp bán đồ ngoài chợ với giá rẻ chỉ còn phân nửa.
Thế nhưng giống đời “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, để giữ độc quyền bán đồng phục trong trường, nhiều Hiệu trưởng lại có những cách làm “lợi mình nhưng hại người”.
Đó là đổi đồng phục toàn trường. Cách mà nhiều trường vẫn đang áp dụng nhiều nhất hiện nay là thay đổi mẫu mã bộ đồng phục liên tục.
Năm thì đổi màu ví như lớp 10 năm nay mặc màu đỏ, lớp 11 mặc màu xanh… thì sang năm, các khối đổi ngược lại và thêm một số chi tiết bổ trợ khác để học sinh không có cơ hội dùng lại đồng phục cũ mà buộc phải mua hoàn toàn mới.
Ví như chiếc cổ áo đang dùng là cổ côn thì giờ bỏ thêm hai chiếc nơ như cà vạt… Nói chung có đủ kiểu để làm thiên biến vạn hóa.
Bởi thế, dù đồ đồng phục của nhiều học sinh vẫn còn mới, vẫn còn mặc tốt cũng buộc phải bỏ đi để mua bộ đồng phục khác.
Ngặt nỗi, những bộ đồng phục đã thay mới chỉ có thể mua ở trường vì nếu mua bên ngoài chỉ cần một chi tiết khác là coi như bộ đồng phục ấy cũng không đúng quy định.
Có trường sợ học sinh mua bên ngoài nên đến gần ngày khai trường mới đưa đồ ra bán, lúc ấy những cửa hàng chợ trời cũng không có cách nào trở tay kịp.
Thế rồi, dù nhà trường hô bán với giá bao nhiêu phụ huynh cũng răm rắp mua cho con vì chẳng thể mua được nơi nào khác.
Gánh nặng oằn vai phụ huynh nghèo
Một bộ đồng phục đối với gia đình khá giả cũng chẳng hề hấn gì.
Có em còn mua luôn hai bộ để có cái thay ra thay vào.
Thế nhưng với những gia đình nghèo thì đó lại là cả một vấn đề nan giải.
Một phụ huynh có con học lớp 10 than:
“Tôi có đến 4 đứa con đi học. Chỉ tiền trường, tiền sách vở tốn khoảng chục triệu đồng những vẫn không đủ. Nay thêm đồ đồng phục biết lấy tiền đâu cô ơi!”
Rồi chị kể, chị đã phải vay tiền nóng để sắm sửa cho con vì không thể để con bị bạn bè kì thị, thầy cô xa lánh.
Nhưng chị nói: “Tôi cứ thấy tiếc mấy bộ đồng phục còn mới cô à. Cứ nghĩ cô chị để lại cho cô em, mà giờ đây đổi mẫu khác nó chẳng còn tác dụng gì”.
Nói rồi, chị thở dài đánh thượt, tiếng thở dài rơi tõm vào không gian im ắng nghe càng não ruột, thê lương.
Chị phụ huynh ấy cũng không phải người ngoại lệ, còn nhiều, rất nhiều những phụ huynh có tâm trạng như chị.
Nhưng họ nói, buồn thì than thở ít câu cho nhẹ lòng vậy thôi, chứ biết cũng chẳng được gì. Nói nhiều có khi lại “tai bay vạ gió” thì khổ con ra.
Mong rằng, đừng vì những khoản “hoa hồng” kia để nhiều trường cứ thi nhau thay đổi đồng phục làm khổ nhiều phụ huynh nghèo như thế.