Đồng phục còn mặc được, sao phải mua mới?

Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa vừa ra quyết định cấm các trường bán đồng phục cho học sinh.

TTO – Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa vừa ra quyết định cấm các trường bán đồng phục cho học sinh.

Đồng phục còn mặc được, sao phải mua mới?

Ảnh minh họa

Việc một số trường học quy định mẫu đồng phục và bắt buộc học sinh phải mua từ nhà trường, cá biệt một số trường còn tổ chức bán sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh, đã làm nhiều phụ huynh đau đầu.

Đặt nặng làm chi hai chữ đồng phục?

Một phụ huynh ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chia sẻ: Nhà trường nên chú trọng đến chất lượng đào tạo nhiều hơn. Một bộ đồng phục có thể đẹp nhưng nếu cứ thay đổi liên tục mỗi năm và mức giá trên 200.000 đồng/bộ không hề là rẻ với nhiều gia đình khó khăn.

Thầy Nguyễn Thanh Huy – giáo viên dạy văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM – bày tỏ ý kiến: “Chúng ta không nên đặt nặng hai chữ đồng phục nhất định phải là trang phục riêng của từng trường, rồi theo đó mỗi trường bày vẽ theo những cách riêng rồi bán cho học sinh với mức giá cao”.

“Hãy hiểu đơn giản rằng đồng phục là để giúp học sinh bình đẳng và tiện dụng cho học tập. Ngày trước chỉ cần áo trắng quần xanh đơn giản, bây giờ đồng phục đang bị thương mại hóa và dần mất đi sự bình đẳng trong học sinh” – thầy Huy chia sẻ.

Đồng phục còn mặc được, sao phải mua mới?

Ảnh minh họa

Theo chị Dương Thanh (TP.HCM), trường khác chỉ cần mua một bộ đồng phục rồi thứ hai mặc xong mình đem giặt cho con thứ bảy mặc lại, còn những ngày bình thường mặc áo trắng quần xanh.

Đằng này trường con chị bắt học trò mặc đồng phục từ thứ ba đến thứ sáu, thành thử phải mua 2-3 bộ, nếu không lấy gì mà thay hôm sau.

“Đã vậy, mặc một năm đồ vẫn còn mới thì năm sau nhà trường lại đổi kiểu, thế là lại tốn một đống tiền” – chị Thanh than thở.

Anh Trần Đăng Thức (Long An) cũng bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương này của tỉnh Khánh Hòa.

Anh nói: “Ước gì Sở GD- ĐT tỉnh Long An quê tôi cũng làm như thế để đỡ tốn kém cho phụ huynh. Cuối năm học vừa rồi khi họp phụ huynh, nhà trường thông báo sẽ lại đổi mẫu đồng phục cho học sinh vào năm học tới. Đây lại là gánh nặng cho phụ huynh chúng tôi và một sự hoang phí không cần thiết. Tôi thiết nghĩ đồng phục không làm nên chất lượng giáo dục”.

Bạn đọc Nga Pham đồng tình: Đi học quần xanh áo trắng, quần áo gọn gàng, sạch sẽ là được rồi. Đừng ép nhiều người dân còn nghèo lắm. Lo sách vở cho con em đã khốn đốn lắm rồi.

Đừng biến trường thành nơi kinh doanh

Thầy Nguyễn Thanh Huy cho rằng quyết định của Sở GD-ĐT Khánh Hòa đã phản ảnh sự băn khoăn và lo ngại của những người làm công tác quản lý đến giáo dục, đây là một việc đáng hoan nghênh.

“Mong tỉnh sẽ thực hiện chặt chẽ việc này và nhiều nơi khác cũng vậy để học sinh và phụ huynh cảm thấy an tâm hơn trong trăm ngàn mối lo hiện nay của cuộc sống nói chung và việc học của con em mình nói riêng” – thầy Huy bày tỏ sự mong mỏi.

Chia sẻ với TTO, ThS xã hội học Phạm Thị Thúy cho biết chị ủng hộ chủ trương của tỉnh Khánh Hòa.

ThS Thúy nói: “Đồng phục có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra sự bình đẳng, hòa đồng cho các em học sinh. Trang phục quần xanh, áo trắng hay áo dài thật sự là một nét đẹp học đường. Tuy nhiên, các trường chỉ nên quy định giống như Khánh Hòa đã làm, không nên bắt ép phụ huynh học sinh phải mua đồng phục ở một địa điểm chỉ định nào cả”.

Đồng phục còn mặc được, sao phải mua mới?
Ảnh minh họa

Theo ThS Thúy, cần phải đưa đồng phục học sinh trở về đúng ý nghĩa của nó chứ không thể để những yếu tố thương mại chen chân vào. “Đừng để đồng phục học sinh trở thành nơi làm giàu của một bộ phận nào đấy và gây khó khăn cho các vị phụ huynh” – ThS Thúy nói.

Cô Khánh Vân, giáo viên Trường Năng khiếu TP.HCM, cũng cho rằng hãy để đồng phục trở thành một kỷ niệm đẹp với mỗi học sinh sau khi ra trường nghĩ về và tự hào chứ đừng biến việc mặc đồng phục thành hoạt động kinh doanh của nhà trường.

Đồng phục phải tiện lợi

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết mẫu đồng phục nên được chọn lựa và dùng trong nhiều năm, trở thành một biểu tượng của nhà trường mỗi khi nhắc đến chứ không phải thay đổi liên tục theo năm.

“Điều đó vừa làm giảm việc nhận biết thương hiệu của trường vừa gây tốn kém không cần thiết. Bộ đồ vẫn còn mới và tốt, cớ sao năm sau phải thay đổi” – bà Minh Hạnh nhấn mạnh.

Chia sẻ ở góc nhìn thẩm mỹ và tính tiện dụng của đồng phục, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng bộ đồng phục của học sinh giúp giáo dục cho các em học sinh từ nhỏ về tính thẩm mỹ.

Và tính thẩm mỹ của đồng phục không chỉ nằm trong kiểu dáng, màu sắc mà nhằm thể hiện tính kỷ luật và tính cộng đồng, bên cạnh đó phải lịch sự.

Bà Minh Hạnh đề cao việc nhà trường khi chọn lựa đồng phục cho học sinh thay vì chỉ quan tâm tới hình thức thì nên chú trọng đến chất liệu và tính vệ sinh.

“Làm sao để các em mặc trang phục có độ bền cao, ít nhăn và thấm hút tốt trong điều kiện thời tiết thất thường và sự năng động của học sinh” – bà Hạnh nói.