Đồng phục học sinh, không nên mỗi trường mỗi phách

Thực tế cho thấy những quy định nhiêu khê về đồng phục học sinh được phản ánh trong bài báo nói trên đã làm con đường đến trường của các em con nhà nghèo gian nan hơn. Tại sao đồng phục trường này phải không giống trường kia, khối này phải khác khối kia, thậm chí năm này phải khác năm trước?

TT – Thực tế cho thấy những quy định nhiêu khê về đồng phục học sinh được phản ánh trong bài báo nói trên đã làm con đường đến trường của các em con nhà nghèo gian nan hơn. Tại sao đồng phục trường này phải không giống trường kia, khối này phải khác khối kia, thậm chí năm này phải khác năm trước?

(Phản hồi bài “Chưa học đã bị hành”, Tuổi Trẻ ngày 23-8-2009)

Đồng phục học sinh, không nên mỗi trường mỗi phách

Phụ huynh chọn mua đồng phục cho con tại một trường THPT ở Q.10, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo tôi, nên có quy định chung một mẫu đồng phục cho từng cấp học trong cả nước. Tên trường và lớp chỉ cần logo để phân biệt. Làm được như vậy sẽ đỡ lãng phí, học sinh có thể tận dụng đồng phục cũ cho năm học mới ngay cả khi các em chuyển trường, chuyển lớp (chỉ cần thay logo trường, lớp).

Các mẫu thiết kế đồng phục sao cho phù hợp lứa tuổi từng cấp học và đảm bảo tính thẩm mỹ. Ngành giáo dục nên ra quy định cụ thể về chất liệu, màu sắc để phụ huynh có thể đặt may đồng phục cho vừa với từng học sinh. Sau đó, nhà trường chỉ lựa chọn logo trường mình rồi đặt làm và bán lại cho phụ huynh gắn lên áo học sinh.

Một vấn đề khác nữa là từ khi không được phép thu tiền xây dựng thì một số trường chuyển qua thu khoản sửa chữa phòng học như: thay quạt, thay đèn, thay bảng, thay bàn ghế… mặc dù những đồ dùng này vẫn còn sử dụng tốt. Tôi thấy các trường hay dùng từ “xã hội hóa giáo dục” để biện minh cho các khoản thu ngoài quy định là không đúng.

* Là phụ huynh, tôi không đồng tình với việc mỗi trường tự thiết kế một kiểu đồng phục riêng. Nhà trường làm như thế khác nào ép học sinh mua đồng phục do nhà trường bán?

* Đồng phục học sinh không phải là quy định của ngành giáo dục mà do các trường tự đề ra rồi bắt buộc học sinh thực hiện. Những năm gần đây đã có không ít ý kiến cho rằng việc quy định nữ sinh mặc áo dài là không thuận tiện lúc các em chạy xe, không thật thoải mái trong lúc ngồi học, thảo luận nhóm, nhất là vào mùa nóng. Thế nhưng, nếu như trước đây chủ yếu nữ sinh cấp trung học phổ thông mới mặc áo dài thì nay nhiều trường trung học cơ sở cũng buộc học sinh mặc đồng phục áo dài.

Tôi thấy trường trung học cơ sở nơi tôi dạy có quy định về đồng phục không gây khó khăn, tốn kém cho phụ huynh. Cụ thể, học sinh mặc đồng phục áo sơmi trắng bỏ vào quần tây xanh, mang giày hoặc dép có quai hậu, áo thêu tên, phù hiệu. Vào mỗi đầu năm học, hiệu trưởng nhà trường chỉ lưu ý giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở học sinh không được mặc quần kiểu lưng trễ, nhất là nữ sinh.

Tôi nghĩ nên có quy định chung về đồng phục học sinh như trường tôi là hợp lý. Còn trường nào muốn phân biệt đặc trưng của trường mình hay khẳng định thương hiệu gì đó, có lẽ chỉ cần thêm một logo đính trên vai áo học sinh là đủ.

Khi trường học làm sai

Việc các trường học tiếp tục tạo ra các khoản thu mới ngoài học phí như báo Tuổi Trẻ phản ánh không phải chuyện mới. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là việc làm này đã đi ngược lại lời cam kết của các cơ quan quản lý giáo dục khi trình đề án “Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục” là ngoài khoản học phí (tăng) thì phụ huynh học sinh sẽ không phải đóng thêm khoản phí nào khác.

Như vậy việc các trường vào đầu năm học mới này tiếp tục thu các khoản khác ngoài học phí là một vi phạm nghiêm trọng đối với cam kết của cơ quan quản lý giáo dục trước phụ huynh và người dân nói chung.

Một chuyện khác cũng đáng suy nghĩ là việc các trường buộc học sinh phải mua đồng phục, tập, giấy bao tập… do mình cung cấp với giá cả cao hơn bên ngoài đã vô tình biến trường học thành nơi kinh doanh. Điều đáng nói hơn là nhà trường không chỉ đóng vai trò là nhà kinh doanh mà còn là nhà kinh doanh độc quyền tuyệt đối khi “người mua”, tức học sinh, bị bắt buộc phải mua với giá cao và không thể mua ở nơi khác!

Song song đó, việc các trường tiếp tục thu các khoản đã bị cơ quan quản lý (Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT) không cho phép thu bằng cách lách luật như đổi tên các khoản thu hoặc chuyển sang cho hội phụ huynh thu theo hình thức “tự nguyện” (nhưng đố phụ huynh nào dám không tự nguyện), cho thấy nhà trường đã có hành vi không tuân thủ quy định của cấp trên và nhất là không tuân thủ pháp luật, điều này đã đi ngược hoàn toàn với điều mà nhà trường dạy cho học sinh.

Dưới góc độ xã hội học, nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là nơi đóng vai trò giúp học sinh trở thành những cá thể đáp ứng được những mong đợi của xã hội. Tức là bên cạnh dạy chữ nhà trường còn dạy về cách thức làm người, dạy cho người học biết đối nhân xử thế, biết tôn trọng các chuẩn mực đạo đức và pháp luật, biết đâu là những giá trị xã hội tốt đẹp mà mình cần phải theo đuổi…

Vì thế việc các trường bất tuân thượng lệnh, không tuân thủ những quy định và lách luật đã đi ngược lại với điều mà nhà trường phải dạy cho học sinh đó là biết tuân thủ, vâng lời người lớn và tôn trọng luật lệ trong xã hội. Vậy thì làm sao học sinh có thể tin tưởng vào những điều cao đẹp, những nguyên tắc sống và ứng xử mà nhà trường đang giảng dạy cho các em?


ngocsonhp2003@…