Theo quan niệm truyền thống, mặc đẹp là mặc sao cho phù hợp với vóc dáng, giản dị, gọn gàng, sạch sẽ, mang tính hòa đồng, không khác người,… Xưa nay, ở các trường học, người ta thường chọn quần xanh, áo trắng làm đồng phục phổ biến cho học trò (cả nam lẫn nữ).
Đồng phục: Không đơn thuần là màu sắc
“Ăn ngon, mặc đẹp” là phương châm phấn đấu của mọi người nhằm đem lại cuộc sống đầy đủ cho cá nhân, gia đình và xã hội. Ở đây, xin bàn về vế thứ hai của câu châm ngôn này – “mặc đẹp”.
Những bất cập…
Theo quan niệm truyền thống, mặc đẹp là mặc sao cho phù hợp với vóc dáng, giản dị, gọn gàng, sạch sẽ, mang tính hòa đồng, không khác người,… Xưa nay, ở các trường học, người ta thường chọn quần xanh, áo trắng làm đồng phục phổ biến cho học trò (cả nam lẫn nữ).
Ở những nơi có điều kiện, các trường còn quy định đồng phục cho nữ sinh là áo dài trắng, quần trắng (hoặc đen). Khi ra đường, nhìn cách ăn mặc, người ta biết ngay đó là học trò. Chuyện sẽ không gì đáng bàn nếu các quy định truyền thống này được tuân thủ thống nhất.
Tuy nhiên, vào năm học mới, ngoài chuyện ta thán về cái khoản tiền trường, nhiều phụ huynh còn lắm gian truân với chuyện đồng phục theo qui định của từng trường. Nhiều phụ huynh phải tất bật lắm trong những ngày hè mới sắm được một bộ quần áo cho con đi học.
Vậy mà, khi vào trường, nhà trường bảo phải mua đồng phục thống nhất theo mẫu của trường qui định (lại quy định). Lúc này chỉ còn cách kêu…trời! Oái oăm hơn, một số trường còn buộc mỗi học sinh phải mua ít nhất hai đôi giày trắng để dự phòng thay đổi khi bị ướt trong mùa mưa.
Ngoài ra, học sinh không được mang giày nào khác, nếu không phải là giày trắng. Tưởng làm theo như thế là yên, nhưng nào ngờ, ngày nào trời cũng mưa. Đường đi học thì bê bết bùn do ngập nước, không thoát được. Vậy là, dẫu có chục đôi giày cũng không sao khô kịp. Nhiều học sinh gia đình nghèo đã phải thường xuyên mang giày ướt, và phải chấp nhận cái bệnh kinh niên “nấm kẽ chân”.
Phụ huynh dở khóc, học sinh dở cười
Một phụ huynh than phiền rằng, đứa con lớn vừa lên lớp 9, tưởng là quần áo thể dục của cháu có thể để lại cho đứa em học lớp 6 mặc được, ai dè, năm nay trường lại quy định mỗi lớp một màu khác nhau cho dễ phân biệt nên đành phải mua mới. Chưa hết, có trường nọ, muốn tìm dáng riêng cho trường mình nên hợp đồng với tiệm may thiết kế mẫu đồng phục không ai có.
Thay vì áo trắng chỉ cần gắn bảng tên trường, tên học sinh là được, trường lại in thêm một logo tự vẽ vào bên cánh tay trái áo. Vậy là không thể mua ở ngoài được, bắt buộc phải mua của trường. Ở một trường THPT nọ thuộc khu vực ven thành phố, trường quy định học sinh nữ phải mặc áo dài suốt tuần. Khổ nỗi, muốn đến trường nhiều em phải băng qua ruộng.
Vậy là tương kế, tựu kế, các em thống nhất nhau mặc quần áo thường đến lớp để sau đó, vào nhà vệ sinh mới thay áo dài. Có hôm đông quá, nhiều em phải đứng sắp hàng chờ. Nỗi khổ tâm này, ai thấu được cho các em?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, sở không có quy định bắt buộc các trường phải mặc đồng phục riêng. Việc buộc học sinh phải mặc đồng phục theo quy định riêng của từng trường là không đúng với quy chế chung. Việc tự ý đặt ra các quy định riêng về đồng phục ở các trường là việc làm tùy tiện, gây khó khăn cho nhiều phụ huynh.
Để tạo điều kiện xây dựng nề nếp cho nhà trường, vấn đề cơ bản không phải ở chỗ tự tạo cái riêng về màu áo, kiểu áo quần cho trường. Hợp lý nhất, theo thiển nghĩ của chúng tôi, học sinh phổ thông, dù ở trường nào, cấp nào cũng chỉ cần đồng phục áo trắng, quần màu là được. Truyền thống của nhà trường không phụ thuộc vào “sắc áo”, mà cốt lõi nhất là ở chất lượng giảng dạy, học tập của mỗi trường. Tự thân mỗi nhà trường cần nhìn lại việc này để xóa bớt những gánh nặng không đáng có cho các bậc cha mẹ học sinh.
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”! Lời dạy của cổ nhân rất đáng để chúng ta suy ngẫm trong lúc này, nhất là khi mà các trường đang thi nhau tạo mẫu cho các kiểu “đồng phục” riêng mình.