Kiếm lợi từ đồng phục, trường học hay thương trường?

Có phải vì những khoản huê hồng và bổng lộc từ việc bán đồng phục kém chất lượng với giá cao mà BGH một số trường năm nào cũng phải buộc học sinh thay đổi đồng phục?

TTO – Có phải vì những khoản huê hồng và bổng lộc từ việc bán đồng phục kém chất lượng với giá cao mà BGH một số trường năm nào cũng phải buộc học sinh thay đổi đồng phục?

Tôi đề nghị báo đài lên tiếng mạnh mẽ hơn và Sở Giáo Dục can thiệp để những phụ huynh học sinh nghèo bớt bị nhà trường hành trong thời điểm giá cả leo thang như hiện nay. Trong khi nước ta người nghèo vẫn còn rất nhiều. Tại sao chúng ta không thống nhất cùng một cấp lớp thì đồng phục giống như nhau ? Nếu BGH các trường muốn thông qua hình ảnh đồng phục học sinh của trường mình để quảng cáo thương hiệu thì có cần mỗi năm thay đổi đồng phục một lần không ? Điều đó tôi nghĩ là phản tác dụng.

Có những phụ huynh nghèo, tôi thấy đã phải mua cho con em mình những bộ đồng phục lớn hơn mong rằng sẽ mặc được hai ba năm – nhưng phụ huynh HS tính có lẽ vẫn không bằng BGH tính (!)

Ở thành thị hay nông thôn đều có những người khó khăn như nhau. Vậy tại sao chúng ta không tạo điều kiện để phụ huynh ở những gia đình khó khăn có điều kiện đưa con em đến trường trong trạng thái thoải mái, mà thay vào đó “đến hẹn lại lên”, nào các khoản phải đóng cho trường đầu năm, nào đồng phục.

Sao chúng ta không cho các em được mặc bộ đồng phục truyền thống của HS VN từ xưa đến nay là nam sinh quần tây xanh, đen; áo sơ mi trắng có phù hiệu của trường trên túi áo hay trên ngực (phù hiệu do nhà trường thêu sẵn bán cho học sinh về may lên áo); còn nữ sinh thì áo dài trắng, quần dài (màu trắng hoặc màu đen) phù hiệu cũng như nam sinh may trên ngực áo?

Hay các trường tự cho mình cái quyền xây dựng thương hiệu riêng bằng cách thay đổi đồng phục? Trường học chứ đâu phải “thương trường” mà phải quá phô trương? Chưa nói đây là nơi đào tạo con người chứ không phải để tìm kiếm lợi nhuận. Theo tôi dư luận cần phải lên án vấn đề nầy thật quyết liệt.

Theo tôi đồng phục học sinh là cần thiết để phân biệt thời gian đến trường và thời gian nghỉ tự do của học sinh. Nhưng phải làm sao để đồng phục không còn là gánh nặng cho học sinh và phụ huynh.

Theo tôi được biết, ở các nước, học sinh mỗi cấp học đều mặc đồng phục giống nhau trong toàn quốc, không phân biệt vùng miền và trường học. Bởi họ quan niệm rằng ở mỗi cấp học dù ở đâu, trường nào thì việc giáo dục dạy dỗ cũng đều giống nhau cả. Do vậy, tại các siêu thị, các cửa hàng may mặc đồng phục học sinh đêu được bày bán rộng rãi, có nhiều kích cỡ, giá cả lại rất phù hợp vì đã có trợ giá.

Thiết nghĩ ở ta cũng cần nghiên cứu theo chiều hướng này tạo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh, không nên mỗi trường tự nghĩ ra một kiểu đồng phục cho trường mình gây tâm lý ganh đua giữa các trường, tạo cảm giác loạn đồng phục và tạo cảm giác giáo dục thiếu tính đồng nhất.

THUYỀN DUY