Không chỉ quy định quần áo đồng phục phải theo màu, theo mẫu của nhà trường mà đến cả giày, dép, mũ, nón, cặp sách, bút viết, nhãn vở… cũng đồng nhau tuốt.
Đồng phục học đường đã trở thành miếng bánh của không ít cán bộ quản lý giáo dục
Không chỉ quy định quần áo phải theo màu, theo mẫu của nhà trường mà đến cả giày, dép, mũ, nón, cặp sách, bút viết, nhãn vở… cũng đồng nhau tuốt.
LTS: Đầu năm học mới, bên cạnh những khoản thu đầu năm làm đau đầu phụ huynh, một số nhà trường còn yêu cầu học sinh phải sử dụng cả đồ dùng học tập (cặp sách, bút, vở, nhãn vở…) một cách “đồng phục”.
Cô giáo Nam Phương chia sẻ những câu chuyện lý giải nguyên nhân sâu xa đằng sau “bệnh đồng phục” này.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, nhiều phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh bức xúc vì một số trường tiểu học trên địa bàn quy định đồng phục cho học sinh.
Điều đáng nói rằng không chỉ quy định quần áo phải theo màu, theo mẫu của nhà trường mà đến cả giày, dép, mũ, nón, cặp sách, bút viết, nhãn vở đến cả giấy thủ công, hồ dán… cũng đồng nhau tuốt.
Phản ánh về chuyện này, một phụ huynh có con học Trường Tiểu học Đỗ Tấn Phong, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Đầu năm học, cô giáo đưa cho con tôi một danh sách dài những đồ dùng học tập cần chuẩn bị cho năm học mới.
Nhưng bức xúc nhất là cô yêu cầu phải mua tập nhãn hiệu B.N của Công ty X, mực thì phải đúng loại mực nhãn hiệu Q. Cô còn nói nếu không mua đúng loại tập, loại mực đó thì khi kiểm tra đồ dùng học tập, cô sẽ trả về”.
Ảnh minh họa: Hữu Thuận / Báo Tuổi Trẻ. |
Đầu năm học, giáo viên mới thông báo cho phụ huynh chuyện “đồng phục”, trong khi cha mẹ các em đã sắm cho con đồ dùng học tập từ trước đó.
Bởi thế, khi thầy cô yêu cầu mua theo quy định không chỉ gia đình mất thêm một khoản tiền mà còn tốn nhiều thời gian đi sắm sửa và làm lại.
Một phụ huynh khác cho biết:
“Tôi có bé vào lớp 6, nhà trường không cho dùng ba lô, thế là tất cả ba lô từ trước đến nay kể cả cái lãnh thưởng lớp 5 đành bỏ qua bên rồi mua cặp mới màu đen.
Bao vở thì chia từng môn, từng màu ra đủ thứ mới đọc đã thấy nhức đầu, tội cho con bé cặm cụi bao hết sách vở bây giờ phải tháo ra bao lại”.
Bức xúc thế nhưng phụ huynh cũng phải thực hiện vì sợ con mình ở lớp sẽ bị thầy cô la mắng.
Thế là bao uất ức, bao bực dọc phụ huynh đều trút lên đầu thầy cô chủ nhiệm với bao lời lẻ chẳng mấy hay ho gì (dĩ nhiên là phụ huynh phản ứng sau lưng).
Nhiều người cứ thắc mắc hoài câu hỏi:
“Tại sao phải quy định “đồng phục” vô lý như vậy? Giáo viên có đáng bị trút giận như thế này không?”
Chẳng riêng gì thành phố mới có chuyện đó.
Ở vùng quê chúng tôi dù chưa đến mức “đồng phục” tất cả những đồ dùng học tập trên nhưng ngoài chuyện áo thun đồng phục thì chuyện “đồng phục” vở bài tập, vở tập viết, luyện viết năm nào mà chẳng có.
Không chỉ phụ huynh mà nhiều giáo viên cũng bất bình, có điều cho dù không đồng ý cũng phải chấp hành cái gọi là lệnh của ban giám hiệu.
Vì sao có chuyện quy định “đồng phục”
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quy định đồng phục trong nhà trường. Nhưng nhìn chung có 3 nguyên nhân cơ bản nhất mà chúng tôi đã có dịp tìm hiểu từ thực tế.
Thứ nhất, vì món lợi hoa hồng rất lớn mà nhà cung cấp trích lại cho nhà trường nhưng trực tiếp khoản tiền này vào túi ai thì chỉ có hiệu trưởng và kế toán biết.
Một cơ sở may áo thun đồng phục tiết lộ “hoa hồng trích lại khoảng 15-20% tùy vào số lượng đặt nhiều hay ít”. Riêng văn phòng phẩm gồm cặp, bút, viết, sách, vở được trích lại tới 30%.
Thứ hai, thừa hành lệnh và lấy lòng cấp trên (chủ yếu là sách, vở).
Có năm một số trường học quê tôi đã vào học được một tuần, bất ngờ hiệu trưởng thông báo “trường mình đặt mua vở tập viết, luyện viết chung một mẫu cho học sinh nên thầy cô lên danh sách thu tiền”.
Giáo viên phản ứng vì “các em đã có đầy đủ, giờ bỏ đi thì lãng phí, phụ huynh nhất định không chịu”.
Hiệu trưởng nói dứt khoát:
“Các thầy cô thông báo với phụ huynh, vở mua bên ngoài không cùng mẫu chung của nhà trường sẽ khó hướng dẫn cho các em trong học tập”.
Thế rồi, những cuốn vở còn mới tinh có em vừa viết được một trang cũng phải đem về luyện viết ở nhà để thầy cô bán giúp vở mới.
Những cuốn vở mới chỉ khác vở cũ cái bìa vì do nhà xuất bản khác sản xuất. Thế nhưng cũng phải thay đồng loạt.
Sau này giáo viên biết được trường học nào cũng thế, đây là hình thức bán sách vở cho cấp trên.
Có giáo viên bức xúc “hoa hồng họ ăn mà tội mình chịu” vì không ít em trong lớp gia cảnh khó khăn để các em bỏ 36 ngàn đồng mua hai cuốn vở chỉ để luyện viết trên trường trong khi hai cuốn vở cũ vẫn còn dùng tốt.
Một số phụ huynh không đồng tình đã làm khó giáo viên.
Một số thầy cô thương trò đành bỏ tiền túi mua cho các em cho đủ chỉ tiêu của lớp.
Thứ ba, gia đình hiệu trưởng là đại lý văn phòng phẩm lớn nên họ lấy cái quyền quyết định cao nhất thì ai còn dám phản đối? Thế là hàng ngàn cái cặp, hàng ngàn bộ sách giáo khoa… chỉ bán trong nháy mắt là xong.
Nhưng vì lý do gì đi nữa cũng xuất phát từ chữ “tiền”. Bởi cho dù lý do thứ hai bán theo lệnh cấp trên cũng chỉ vì anh muốn lấy lòng để được giữ chức nhưng thực ra là giữ những bổng lộc vinh hoa mà nhờ cái chức ấy mang lại.
Nếu cấp trên đừng vì mình, đừng vì lòng tham, vì những tham vọng cá nhân thì giáo viên đâu bị đẩy vào thế “quýt làm cam chịu”, phụ huynh đâu phải mất tiền, mất công trong việc lo “đồng phục” cho con như thế.
Chấm dứt chuyện đồng phục vô lý nơi trường học không chỉ dùng những ngôn từ lên án hay kêu than, trách móc hay sỉ mắng giáo viên, chửi bới nhà trường… cái cách mà nhiều người vẫn đang làm hiện nay trên các diễn đàn xã hội.
Điều cần nhất là chính phụ huynh phải đồng loạt lên tiếng trong các cuộc họp đầu năm.
Yêu cầu hội phụ huynh phải có tiếng nói trực tiếp với ban giám hiệu nhà trường. Chính mình không tự đấu tranh cho quyền lợi con em mình thì sẽ trông chờ vào ai đây?